Hiện nay, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang quản lý khối lượng lớn các đường dây và trạm biến áp, trong đó có nhiều tuyến đường dây đi qua vùng đồi núi, địa hình phức tạp.

Với lực lượng quản lý vận hành còn mỏng, phương tiện hạn chế, trong khi việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra sau sự cố đòi hỏi các đơn vị quản lý vận hành phải tìm kiếm, kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, điểm sự cố trên lưới điện để hạn chế, ngăn ngừa sự cố lưới điện. Được biết, Unmanned Aerial Vehicle (UAV) là một loại thiết bị bay không người lái, được điều khiển từ xa bằng trình điều khiển riêng biệt hoặc có thể kết nối vào điện thoại, máy tính bảng để điều khiến qua sóng wifi hoặc sóng vô tuyến trên một tần số nhất định.  UAV kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, điểm sự cố trên lưới điện để hạn chế, ngăn ngừa sự cố lưới điện. Vì vậy, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong việc triển khai nhanh các công tác khảo sát, kiểm tra định kỳ, khắc phục sự cố là nhu cầu cấp thiết đang được nghiên cứu đầu tư, ứng dụng trong Công ty.

Thiết bị FlyCam có các cơ cấu chính sau:
  1. Thiết bị bay (sử dụng lực nâng từ cánh quạt giống như trực thăng) có chứa bộ phận điều khiển bay, bộ phận truyền nhận thông tin, bộ phận để gá lắp camera.
  2. Camera: Ghi hình, quay video có chất lượng hình ảnh FullHD, 4K. Ngoài ra còn có camera chuyên dụng dùng để soi phát nhiệt, quay đêm...
  3. Thiết bị điều khiển xa: Bàn điều khiển (remote), màn hình hiển thị (điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, kính hiện thực ảo,...
Với những tính năng và công nghệ tiên tiến của UAV hiện nay, có thể đưa UAV vào công tác khảo sát, kiểm tra tổng thể các công trình, hạ tầng điện như:
  1. Quay phim, chụp ảnh tổng thể các công trình, hạ tầng điện từ trên cao ở các địa hình phức tạp như miền núi, biển đảo, sông hồ ...
  2. Bay kiểm tra và chụp ảnh tổng thể, chi tiết các phụ kiện của công trình điện, cột điện, đường dây, TBA…, chất lượng hình ảnh có thể đảm bảo yêu cầu để phân tích, đánh giá tình trạng của thiết bị.
  3. Kiểm tra nhanh và tổng thể hành lang, móng, cột trong một phạm vi cụ thể.
  4. Kiểm tra các điểm tiếp xúc, phụ kiện bị rỉ sét và các nguy cơ có thể gây sự cố trên lưới điện để kịp thời  xử lý, ngăn ngừa sự cố.
Bên cạnh những tính năng ưu việt trên, UAV còn có một số hạn chế:
  1. Rất dễ bị hỏng hóc do va đập vào chướng ngại vật hoặc rơi từ trên cao.
  2. Trong quá trình bay, khó quan sát phân tích trực tiếp được các khiếm khuyết của đường dây và cột do màn hình hiển thị bị lóa khi xem ngoài trời..
  3. Thời gian bay của 1 viên pin không dài (chỉ đạt hiệu quả từ 20-25 phút).
  4. Có thể bị rung, lắc do nhiễu từ trường khi vào gần đường dây đang mang điện.
Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, Công ty đang xem xét ứng dụng công nghệ này vào công tác quản lý vận hành, khảo sát kiểm tra, khắc phục sự cố lưới điện. Tuy nhiên, để triển khai lâu dài cũng như phổ biến trên diện rộng, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các thiết bị bay có tính năng tốt hơn, khắc phục được những nhược điểm của công nghệ UAV hiện nay và được sự cấp phép của các cơ quan chức năng khi đưa vào vận hành.



UAV đang bay kiểm tra hành lang tuyến 477/E28



UAV kiểm tra lưới điện tuyến 477/E28 từ trụ 158 đến trụ 165

Nguyễn Hồng Trường